Mỗi khi hè về cánh chuồn chuồn bay rợp khắp bầu trời như tô điểm thêm cho sắc hè thêm tươi thắm. Chuồn chuồn là loài côn trùng ăn thịt từ lúc còn là ấu trùng đến trường thành. Thức ăn của chúng là những loài côn trùng khác có kích thước nhỏ hơn.
Có 16 loài được biết hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất là loài Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758). Trên hình vẽ là con đực, đôi cánh trước của nó có màu vàng nhạt và trong suốt, khoảng 3/4 cánh sau màu xanh biếc, phần còn lại của cánh có màu đen sẫm. Với cơ thể hoàn toàn màu xanh, chúng có thể dễ dàng hòa lẫn vào các đám lá ở gần suối để trốn tránh kẻ thù.
Con đực Matrona basilaris Selys, 1953 có cơ thể màu xanh biếc óng ánh, với đôi cánh màu xanh đen ở nửa đầu cánh, phần gốc còn lại có màu xanh sáng. Ở Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở các khu vực miền núi phía bắc như Lạng Sơn (Lộc Bình), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Thượng Tiến, Kim Bôi), Cao Bằng (Trùng Khánh) và Phú Thọ (Xuân Sơn).
Loài Vestalis gracilis (Rambur, 1842) phân bố rộng ở vùng Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Với cơ thể màu xanh biếc, chúng có thể dễ dàng ẩn nấp trong tán lá cây rậm rạp xung quanh bờ suối, và chỉ xuất hiện và bay lượn ra ngoài khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Cánh của chúng thường phản chiếu màu xanh biếc óng ánh.
Một trong những loài có kích thước cơ thể to lớn và hiếm gặp là loài Calopteryx coomani (Fraser, 1935). Với chiều dài sải cánh và cơ thể trên 100 mm. Trái ngược với những loài trên, loài coomani mang một đôi cánh xanh đen to lớn và khỏe mạnh. Chúng thường sinh sống gần những con suối ở vùng núi, nơi mà có hệ sinh thái rừng rậm rạp và gần nguyên vẹn.
0 nhận xét